TGĐ Vinatex – Lấy tâm yêu thương chân thành làm gốc

01/01/1970
1506

Kính thưa toàn thể người lao động trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam,
Chúng ta đang trải qua cơn bão của dịch bệnh Covid-19 với 202 trên 204 quốc gia vùng lãnh thổ có người nhiễm bệnh. Cuộc khủng hoảng về y tế đã gây ảnh hưởng đến kinh tế, sản xuất, phân phối khi lần đầu tiên trong lịch sử, cầu thế giới đột ngột dừng lại. Đây là thách thức rất lớn, chưa từng có trong quá trình hoạt động đối với những người làm dệt may nói chung và Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng.
Mỗi con người đều cần có một nơi làm việc, một doanh nghiệp, một tổ chức… để có thu nhập, nuôi sống gia đình mà còn là nơi chúng ta cống hiến, chứng minh bản thân mình với xã hội. Sức khỏe của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi cá nhân, nhân viên, cán bộ và ngược lại. Doanh nghiệp mạnh thì đời sống người lao động được sung túc, doanh nghiệp gặp khó khăn chắc chắn đời sống người lao động cũng gặp khó khăn, thách thức.
Chúng ta biết rằng, ngay từ tháng 2/2020 khi dịch Covid-19 chưa lan rộng ở Việt Nam thì theo Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đã thống kê có hơn 180.000 doanh nghiệp trên cả nước gặp khó khăn phải giảm quy mô hoạt động, thậm chí là sa thải người lao động. Sang tháng 3/2020, tình hình khó khăn về lao động, sản xuất đã diễn ra trên phạm vi toàn cầu khi các hệ thống bán lẻ đóng cửa và các thành phố lớn bị phong toả. Ngày 27/3/2020 đã ghi nhận một kỷ lục mới của nước Mỹ kể từ năm 1967 về số lượng người đăng ký xin hưởng trợ cấp do thiếu việc làm, lên tới 3,28 triệu người. Dự kiến, sau dịch Covid-19 trên thế giới sẽ mất đi khoảng 30 – 40 triệu việc làm.

Ngành Dệt May Việt Nam đang đứng trước một thách thức rất lớn do sử dụng nhiều lao động nên thiếu việc làm là hết sức nghiêm trọng. Thực tế, nếu doanh nghiệp không có việc làm thì sẽ không có tiền để chi trả các chi phí, trong đó lớn nhất là tiền lương. Nếu chỉ trả tiền lương tối thiểu cho người lao động trong 3 tháng thì doanh nghiệp đã không còn một đồng vốn nào. Mấu chốt ở đây là làm sao giữ được dòng tiền trong doanh nghiệp. Chính vì thế, đây là câu hỏi rất lớn đặt ra cho trái tim, khối óc của những người quản lý và tất cả người lao động trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
Trong thời điểm khó khăn này, 3 bài học phải được kiên định, quyết liệt thực hiện với chất lượng cao nhất tại tất cả các doanh nghiệp:
Thứ nhất là, không ngại khám phá, sáng tạo, đi vào những ngả đường mà chúng ta chưa bao giờ đi. Thực tế, trong 2 tháng vừa qua chúng ta đã tổ chức sản xuất những mặt hàng chưa từng sản xuất như khẩu trang phòng dịch và sắp tới là khẩu trang y tế, bộ quần áo y tế cho bác sỹ, bệnh nhân, bộ quần áo phòng dịch. Đây là những mặt hàng không chỉ phục vụ nhu cầu chống dịch trong xã hội mà còn góp phần giảm bớt khó khăn đối với việc bị hoãn, dừng, hủy đơn hàng kể từ đầu tháng 3 trở lại đây với tất cả doanh nghiệp. Chúng ta triển khai làm việc từ xa, điều không ai nghĩ có thể làm với ngành “con mọn” như dệt may, mở ra khả năng hoạt động với chi phí thấp hơn cho doanh nghiệp.
Thứ 2 là, người lãnh đạo các doanh nghiệp cần tự chấn chỉnh mình, giữ được niềm tin mạnh mẽ, quyết liệt và tin tưởng vào thắng lợi. Ý chí của người đứng đầu sẽ là động lực lan tỏa đến toàn doanh nghiệp. Chỉ có người đứng đầu mạnh mẽ, quyết tâm thì mới có khả năng chèo chống con thuyền doanh nghiệp vượt qua được khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Đây cũng là dịp để phân biệt doanh nghiệp – doanh nhân tầm thường và những doanh nghiệp – doanh nhân có ý trí vươn lên mạnh mẽ.
Thứ 3, đây là lúc mọi ứng xử với nhau phải xuất phát từ cái tâm chân thành. Ngành dệt may có truyền thống nghĩa tình nhưng lúc này là lúc cần phát huy cao hơn nữa tinh thần thuỷ chung, nghĩa tình ấy. Chúng ta biết rằng, nếu cái tâm thật chân thành thì dù hoạt động SXKD có khó khăn đến đâu cũng sẽ ổn định và vượt qua được. Người lao động cũng cần nhìn vào văn hóa của doanh nghiệp và cách ứng xử chân thành của lãnh đạo doanh nghiệp đối với mình để quyết định san sẻ cùng nhau vượt qua khó khăn. Với niềm tin “gái có công, chồng chẳng phụ” – những người lao động sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp để xây dựng tương lai tươi sáng hơn sau khủng hoảng.
Thời điểm khó khăn là lúc cần sự sáng tạo, tiết kiệm mọi chi phí, năng suất, chất lượng tốt hơn dù thời gian, số lượng công việc có thể ít đi. Người lao động ngành Dệt May Việt Nam cần chia sẻ với nhau để tất cả cùng có việc làm, cùng có thu nhập chấp nhận được và giữ vững đội ngũ của mình. Chúng ta cũng kêu gọi mọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, hạn chế dòng tiền phải đi ra khỏi đất nước.
Chúng ta cần học tập tấm gương của đội ngũ y, bác sỹ đã cùng nhau dũng cảm xông vào “khu vực nóng nhất” của dịch bệnh, nhường nhau những vị trí an toàn hơn. Người lớn tuổi mong muốn được vào trực tiếp nơi nguy hiểm nhất nhường cho người trẻ tuổi chưa có gia đình, ngược lại, người trẻ tuổi thì lại nghĩ rằng mình cần phải vào những nơi nguy hiểm nhất bởi vì những người lớn tuổi còn có gia đình cần chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ. Những người lao động trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng sẽ quyết tâm như vậy, theo nguyên tắc “tất cả cùng san sẻ khó khăn, mỗi người khó một chút để được nguyên vẹn cùng nhau vượt qua thử thách này”. Với sự đồng lòng của tất cả người lao động, chắc chắn Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng và ngành Dệt May Việt Nam nói chung sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn.
Thân ái,
Tổng Giám đốc Vinatex
Lê Tiến Trường

NGUỒN: VinatexÔng Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn DMVN